ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY


Đời Huyền Bí của HPB (tt)

The Esoteric World of Madame Blavatsky – Daniel Caldwell

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY 

Phòng họp không đầy người, và chúng tôi ngồi gần như ở giữa, có thể nhìn thấy rõ bục ở giữa; trên đó có hai ghế và ở bên là chỗ đứng với bục giảng. Chẳng mấy chốc có hai bà đi ra, bà Besant mà trước đó một lúc ngắn đã thành chi trưởng chi bộ Blavatsky, và một bà khác không cao nhưng mập mạp.
– Nhìn kìa, hẳn đó phải là bà Blavatsky, cô bạn hướng dẫn thì thào.
Tôi chỉ có thể suỵt nhỏ rồi dang ra xa một chút.
Tôi đã thấy nhiều người ở nhiều nước, có tiếng tăm trong lãnh vực riêng của họ như nghệ thuật, sân khấu, chính trị, văn chương, v.v. - nhưng như vầy - chưa bao giờ ! Người phụ nữ giản dị với khăn quàng vai, chiếm trọn chiếc ghế to, trông nhỏ hơn bà thật sự là vì thân hình phốp pháp. Nhưng vào lúc đó tôi chỉ thấy gương mặt của bà với đôi mắt xanh trong trẻo, và bàn tay để trên lòng.
Lúc ấy tôi đang học vẽ và chưa hề thấy đôi tay nào tuyệt hảo như vậy trong đời, tuy nhiên đây cũng không phải là điều quan trọng. Điều làm tôi bị choáng ngợp là mãnh lực và tình thương vô tư bao quanh HPB, tỏa ra từ người bà, cho tôi cảm tưởng có ánh sáng chuyển động, mỏng manh mà trong đó các gương mặt và hình bóng hiện ra rồi biến đi. Về sau, mãi sau này, tôi tin vậy, tôi nhận ra nhiều khuôn mặt ấy.Vào lúc chuyện xẩy ra thì tôi không biết gì về hào quang, nên chỉ ngồi đó nhìn sững, lạ lùng. Tôi biết khi ấy là mình đứng trước sự hiện diện của một ai đó cao cả hơn, hết sức cao cả hơn chuyện gì tôi đã từng mơ ước.
Cảnh trí Ai Cập hiện cho thấy rồi mất đi, luôn cả cảnh khác ở những nước miền Nam hay Đông mà tôi chưa hề thấy. Tôi nhớ mình nghĩ về bà như con Nhân Sư Sphinx sống động có tiếp xúc, tiếp xúc có ý thức và chặt chẽ, với các điều Huyền môn của thời xa xưa. Ánh sáng vẫn còn đó tuy những hình ảnh bí ẩn của nhiều người hiện rồi tan thay đổi.
Tôi chưa bao giờ thấy chuyện nào như thế, và cái ấn tượng thật mạnh mẽ. Tôi không nghe được mấy bài giảng. Walter Old có bài nói chuyện về vầng Thái Dương, và xong bài thì người ta có thể đặt câu hỏi; khi thấy không có ai hỏi, diễn giả tự mình nêu thắc mắc với HPB.
Về sau tôi dự nhiều buổi giảng nhưng buổi đầu tiên vẫn là dấu mốc cho tôi. Tôi gia nhập hội Theosophy, và thành hội viên của chi bộ Blavatsky nhưng đời tôi đã thay đổi, nó không thể là như xưa được nữa. Tôi đã được nhìn thấy một thế giới khác. Nếu không quá đỗi nhát hẳn tôi sẽ viết cho HPB và đến thăm bà để đặt câu hỏi. Nhưng tôi không dám và vài tháng sau khi phải đi lục địa Âu châu, tôi rất mừng nhận được thư mời đến Avenue Road, cho tôi cơ hội chào bà Blavatsky trước khi lên đường sang Pháp.
Nhưng khi vào phòng rồi, tôi lấy chỗ ngồi gần cửa. Lúc HPB bước vào tôi rất hân hoan mà chỉ có thể ngồi ngó, bị choáng ngợp với sự hồi nhớ lại đã thấy gì ở buổi tối đầu tiên ấy, và nay với cảm tưởng uy nghi lớn lao của thân hình nhỏ bé đó, vị Sứ giả mà Thiên Đoàn gửi ra để mang lại giúp đỡ cho nhân loại đau khổ của Tây phương.
Tôi tin là hẳn mình sẽ vẫn ngồi yên trong ghế ấy cho tới cuối buổi tối, không nói lời nào với ai, nếu bà Bá tước Watchmeister không đến với tôi, và với sự thúc giục nhẹ nhàng, dẫn tôi theo bà đến nói chuyện với HPB.
Tới cuối khi tôi ra về, bị nét duyên dáng của bà Blavatsky chinh phục rất nhiều, bà nhìn tôi với đôi mắt hiền từ và nói, sau khi chúc tôi đi thượng lộ bình an.
– Khi nào bà về, xin đến thăm chúng tôi ngay !
Tôi sung sướng, và cùng lúc muốn chẩy nước mắt, vì biết ngay lập tức là mình sẽ không bao giờ còn gặp bà Blavatsky nữa trong thân xác này.

22 G. Laura M. Cooper
April 28 - May 8, 1891, London
Ngày thứ ba, 21 tháng Tư tôi đến trụ sở hội để ở đó vài ngày, mà do những biến cố bất ngờ sau đó, nó thành chuyến viếng thăm vài tuần. Sức khỏe HPB có vẻ như thường lệ, và vào thứ năm 23, bà dự buổi họp chi bộ; sau khi xong chương trình buổi tối bà về phòng mình, chỗ  mà do thói quen, các hội viên ngụ ở trụ sở (số 19 Avenue Road) đi theo và ngồi với bà, trong lúc HPB uống cà phê trước khi đi ngủ.
Chị tôi, Isabel Cooper-Oakley, và tôi cùng một hai người khác, ngồi lại nói chuyện với bà tới mười một giờ đêm, khi bà vui vẻ nói ‘Chào mọi người nhé’, có vẻ như khỏe mạnh bình thường. Dầu vậy sáng hôm sau, cô hầu gái của HPB đến phòng tôi sớm, cho hay bà trằn trọc suốt đêm và bị rùng mình luôn. Bác sĩ được lập tức mời tới, và ngày hôm ấy trôi qua với HPB hoặc ngủ mê mệt, hay trăn trở.
Đến chiều bác sĩ Mennell lại, bảo đó là bệnh cúm; sốt cao độ, nhiệt độ của bà Blavatsky là 105 F. Từ đêm chủ nhật đáng nhớ ấy ngày 26 tháng Tư, bắt đầu một dọc nhiều chuyện chẳng lành, trong nhà hết người này tới người kia đau, dẫn tới tột đỉnh là lấy mất đi HPB yêu quí của chúng tôi. Đến cuối ngày thứ năm 30, HPB bắt đầu thấy rất khó chịu ở cổ họng, và càng lúc bà càng thấy khó nuốt; ho thành chuyện đáng lo ngại và hơi thở hóa nặng nhọc.
Sáng thứ sáu bà không khá hơn, và khi bác sĩ Mennell tới ông thấy bên phải cổ họng bị viêm, nên cho đắp thuốc ấm và làm đỡ một chút. Sáng chủ nhật ngày 3 tháng Năm, HPB ốm nặng, nuốt làm đau nên rất khó cho bà ăn để đủ dinh dưỡng, thành ra bà lại càng suy yếu. Chỉ có ai ở với bà mới biết HPB đã can đảm chống chọi bệnh tình ra sao.
Đến thứ tư 6 tháng Năm, bà thay y phục chỉnh tề phần nào đi vào phòng khách, ở đó ăn trưa và nghỉ một chút trên sofa; buổi chiều bác sĩ Mennell thấy bà khá hơn, hết hẳn sốt, nhưng việc suy yếu nặng và khó thở làm ông lo ngại đáng kể. Tối hôm ấy là điểm ngoặt trong bệnh tình của HPB. Qua thứ năm (7 tháng Năm) HPB lại sức và khoảng ba giờ chiều đi vào phòng khách mà chỉ cần được giúp rất ít; trong phòng bà kêu đem ghế bành lớn của mình tới.
Ghế được xoay hướng vào phòng và khi ngồi vào đó, bà cho đặt chiếc bàn nhỏ chơi bài với những quân bài được chia để trước mặt, và bà muốn chơi bài; dù cố gắng như thế, thấy rõ là bà đau nặng lắm. Bác sĩ Mennell đến sau 5 giờ chiều một chút, và rất ngạc nhiên khi thấy bà ngồi, ông mừng cho bà Blavatsky và khen rằng bà Blavatsky thật can đảm; bà nói.
– Tôi ráng hết sức, bác sĩ à.
Giọng bà không hơn thì thào bao nhiều, và việc cố gắng nói làm bà kiệt lực, vì hơi thở bà rất ngắn. HPB đưa bác sĩ Mennell điếu thuốc lá bà đã quấn cho ông một cách khó khăn; nó là điếu thuốc cuối cùng mà bà quấn. Đêm hôm đó, đêm chót bà ở với chúng tôi, là đêm rất cực nhọc; do việc khó thở ngày càng nhiều, HPB không thấy thoải mái ở bất cứ tư thế nào; có thử hết mọi cách mà không ăn thua, và sau rốt bà phải ngồi trong ghế có tấn gối chung quanh.
Khoảng 4 giờ sáng thấy bà có vẻ khá hơn, nhưng khoảng 11.30 giờ sáng thứ năm 8 tháng Năm, ông Wright gọi tôi dậy, kêu đến ngay lập tức vì HPB thình lình trở nặng và người y tá nghĩ bà chỉ còn có vài giờ; tôi đi thẳng vào phòng bà và thấy bà ở trong tình trạng nguy kịch. Bà ngồi trong ghế của mình và tôi quì trước mặt, xin bà dùng thuốc trợ lực; tuy quá yếu không tự cầm được ly, bà để tôi cầm nó đưa lên môi bà và HPB uống được thuốc; nhưng sau đó chúng tôi chỉ có thể dùng muỗng cho bà chút ít thức ăn.
Y tá nói bà có thể có thêm vài giờ, nhưng đột nhiên có thay đổi thêm, và khi tôi ráng thấm môi bà cho ướt tôi thấy đôi mắt thân mến đã bắt đầu mờ, tuy bà vẫn giữ đầy đủ tri thức tới phút chót. Lúc sinh tiền HPB có thói quen lay động một bàn chân khi miệt mài suy nghĩ, và bà tiếp tục động tác này gần như tới khi ngừng thở. Khi không còn hy vọng gì nữa, người y tá rời phòng, để lại C.F. Wright, W.R. Old và tôi với HPB yêu quí của chúng tôi.
Hai ông quì phía trước, mỗi người cầm một tay của bà, và tôi ở phía bên của bà với một cánh tay choàng qua đỡ đầu HPB; chúng tôi giữ yên như thế bất động trong nhiều phút, và HPB ra đi thật lặng lẽ tới nỗi chúng tôi gần như không biết bà ngưng thở lúc nào, một cảm tưởng bình yên tràn ngập căn phòng và chúng tôi yên lặng quì ở đó.

23 H. Henry S. Olcott
May 9 - 10, 1891 Sydney, Australia.
Nhận thức đầu tiên của tôi về cái chết của HPB có được bằng viễn cảm (còn gọi là thần giao cách cảm) từ chính bà, và theo sau đó là một cảm nhận tương tự. Lần thứ ba một ký giả có mặt tại buổi giảng chót của tôi ở Sydney cho tôi hay, khi tôi sắp rời bục giảng, là có tin báo chí từ London tới báo tin bà qua đời. Trong nhật ký ngày 9 tháng Năm tôi ghi:
– Sáng nay có cảm tưởng là HPB đã mất.
Hàng ghi chót cho ngày hôm ấy viết:
–  Điện tín, HPB mất.
Chỉ những ai đã thấy chúng tôi cùng với nhau, và biết được liên hệ huyền bí mật thiết giữa chúng tôi, mới có thể hiểu cảm xúc thương tiếc tràn ngập tôi lúc ấy khi nhận tin đau lòng này.

22 I. Julia Keightley
May 1981, Pennsylvania
Vài ngày sau khi bà Blavatsky mất đi, HPB gọi tôi thức dậy giữa khuya. Tôi nhổm người, không chút ngạc nhiên mà chỉ cảm thấy nỗi hân hoan quen thuộc. Bà nhìn vào mắt tôi với ánh mắt oai nghi của mình. Rồi bà hóa ốm hơn, cao hơn, hình dạng thành trang nam tử hơn, nét mặt chậm chạp thay đổi cho tới khi thành một người đàn ông cao lớn và sức mạnh rắn rỏi đứng trước mặt tôi, vết tích cuối cùng của hình dạng bà hòa tan vào của anh, cho tới khi chỉ có ánh mắt uy nghi, vẻ sáng rỡ của tia nhìn là vẫn còn lại. Người đàn ông ngẩng đầu và nói.
– Hãy xem !
Rồi anh bước ra khỏi phòng, đặt tay lên bức hình HPB khi anh đi ngang qua. Kể từ đó, anh đến với tôi vài lần với huấn thị, giữa ban ngày khi tôi bận rộn làm việc, và có một lần anh bước ra từ một hình chụp lớn của HPB.

James Pryse
Xin đọc trước bài ‘Ấn Tượng về HPB’ trong trang web PST, mục Hội Thông Thiên Học - Blavatsky, do cùng người viết để rõ hơn bài dưới đây, vì nó có một liên hệ rất ý nghĩa xẩy ra mấy năm sau với bài trước.
HPB qua đời bất thình linh khi ngồi trong ghế. Lúc tôi phụ đưa thân xác bà sang ghế dài, tôi có cảm tưởng rõ rệt là bà không ‘chết’ mà chỉ rời bỏ xác thân tức thì cho một mục đích đã định. Có lần bà Blavatsky nói với C.F. Wright là không muốn tái sinh làm em bé, nên các chela (đệ tử) đang tìm một xác thân mà bà có thể nhận lấy vào lúc linh hồn rời bỏ nó, với các bộ phận vẫn còn trong tình trạng tốt lành. Dầu vậy mấy năm sau, bà Besant và ông Judge ra nhận định là HPB đã tái sinh.
Một hôm bà Besant bảo tôi.
– James, nay HPB đã tái sinh rồi, anh thử tham thiền tìm bà được không ?
Tôi đáp là sẵn lòng làm. Bà đề nghị tôi nên tham thiền buổi tối trong phòng HPB, và bởi phòng được khóa lại, bà Besant đưa tôi chìa khóa. Buối tối đầu tiên tham thiền ở đó, ngồi trên ghế dài, tôi không thấy gì ngoài những hình ảnh vẩn vơ, tối thứ hai cũng thế. Khi tham thiền tối thứ ba tôi có kinh nghiệm khác thường là không thấy gì cả, tuy tôi định tâm vào HPB có đến hai tiếng đồng hồ.
Tin rằng bà chưa tái sinh, tôi đứng dậy và bắt đầu rời căn phòng. Ghế dài mà tôi ngồi nằm ở phía đối diện với cửa ra vào. Lúc đó là nửa đêm và phòng hoàn toàn tối đen. Nhưng khi tôi đi được nửa chừng ra cửa thì căn phòng đột nhiên sáng lên, và tôi thấy một thanh niên đứng cách tôi chừng một thước. Anh cao vừa phải, vạm vỡ, gương mặt thu hút và mạnh mẽ. Tôi cho rằng anh là một sinh viên đại học.
Ngạc nhiên với sự xuất hiện bất chợt này, vì có vẻ anh là người bằng xương bằng thịt, và tự hỏi làm sao anh vào phòng lặng yên không tiếng động trong khi cửa được khóa chặt, trong một lúc tôi quên bẵng đi việc phỏng sáng rực lạ lùng. Tôi tính mở lời với anh, nhưng ngay khi ấy một hào quang chói lòa bừng lên bao quanh anh, và một loạt hình ảnh hiện ra trong đó cho biết anh là HPB. Anh ở trong huyễn thể - mayavi-rupa là thể có hình dạng giống y như thể xác. Anh không nói lời nào mà thình linh biến mất, và chỉ còn tôi một mình đứng đó trong bóng tối. Tôi giữ kín chuyện này, vì hiển nhiên là anh muốn tôi làm vậy.
Vào lúc hội bị phân hóa do chuyện có liên quan đến ông Judge, tôi hoàn toàn bị kiệt lực vì phải làm quá nhiều việc và do căng thẳng của bao vấn đề lúc đó. Tới khuya tôi mới bò vào giường, lăn ra ngủ như chết và sáng dậy phờ phạc, rã rời cả người. Một đêm khi đi ngủ tôi nghĩ thầm.
– Thêm một hay hai tuần như vầy là mình tiêu.
Sáng tôi tỉnh giấc cảm thấy chết nửa người và không biết có còn sức lực để ngồi dậy. Ngày đã sáng rõ và mặt trời chiếu qua cửa sổ. Rồi tôi thấy người thanh niên đã gặp trong phòng HPB. Anh đứng ở chân giường, dang hai cánh tay bên trên hai bàn chân của tôi. Một luồng điện mạnh, đợt này rồi đợt kia, tràn vào người tôi trong vài phút. Xong anh rút cánh tay về và biến mất.
Tôi bật ra khỏi giường với trọn sức mạnh và năng lực được hồi phục.Và như thế HPB đã trả lại lượng prana của tôi cho bà (xin đọc lại bài nói ở trên). Với sự giúp đỡ của bà Lloyd, một họa sĩ tài tử giỏi dang và có thông nhãn, tôi có được bức chân dung sơn dầu tuyệt diệu của HPB đã tái sinh, nhưng tôi cho gương mặt của bà Blavatsky mầu da của hoàng thân Ấn Độ, cho hợp với mầu da vị Chân Sư của bà là đức M.

22 Vô Danh
May 1891, New York City
Ít phụ nữ nào bị trình bầy sai lạc lâu dài, thóa mạ, và nhục mạ hơn bà Blavatsky, nhưng tuy sự ác ý và thiếu hiểu biết gây tệ hại nhất cho bà, có nhiều chỉ dấu nói rằng việc làm của đời bà sẽ tự nó chứng thực, rằng nó sẽ còn mãi, và rằng nó sẽ làm điều thiện. Bà là người thành lập hội Theosophy, một tổ chức nay đã hoàn bị và vững chắc, có chi nhánh ở nhiều nước, Đông và Tây. Trong gần hai mươi năm bà tận tụy hiến mình cho việc truyền bá các triết lý, là những nguyên tắc căn bản cho nhân cách đạo đức cao quí nhất. Bà cho rằng sự tái tạo của con người phải dựa trên việc phát triển lòng vị tha. Khi chủ trương như vậy bà đồng lòng với những tư tưởng gia cao cả, không phải chỉ thuộc về đương thời, mà trong mọi thời đại.
Về một hướng khác, bà làm việc quan trọng. Có thể nói không ai trong thế hệ hiện nay đã làm nhiều hơn bà, trong việc mở trở lại kho tàng đóng kín đã lâu của tư tưởng, minh triết và triết lý Đông phương. Chắc chắn không ai đã làm nhiều như bà về việc soi sáng cái tôn giáo-triết lý sâu xa được phương Đông hằng suy gẫm mang lại, và đem ra ánh sáng những tác phẩm văn chương cổ xưa, với nội dung và chiều sâu của chúng đã làm kinh ngạc dường nào thế giới Tây phương.
Hiếu biết riêng của bà về triết lý Đông phương và huyền bí học thực là bao trùm. Không trí óc chân thật nào có thể nghi ngờ việc ấy sau khi đọc hai tác phẩm chính của bà. Phong cách và khuynh hướng của tất cả những bài viết của bà thật tốt lành, phấn chấn, và khích động. Bài học mà bà không ngừng gây ấn tượng là điều mà chắc chắn thế giới cần vô cùng, và đã luôn luôn cần, là sự cần thiết phải hạ thấp cái tôi và làm việc cho tha nhân.
Việc làm của bà đã mang lại thành quả, và có vẻ như được định là sẽ sinh ra thêm ảnh hưởng đáng kể và đáng khen trong tương lai. Như thế bà đã để lại dấu ấn của mình lên thời đại, và cũng vì vậy công việc của bà sẽ theo bà. Ngày kia, nếu không phải là ngay lập tức, sự cao quí và thanh khiết của mục tiêu của bà, minh triết và phạm vi những chỉ dạy của bà sẽ được nhận biết trọn vẹn hơn, và sự tưởng nhớ bà sẽ được cho vinh dự mà nó xứng đáng hưởng.

Nữ bá tước Watchmeister - Những Ngày Cuối
24 tháng Mười, 1890
Gần đây có vài dự án mới được đưa ra. Một cái là mướn căn nhà bên cạnh, sắp có cho mướn. Cô Cooper, cô Chambers và ông Sturdy là những người nhiều phần sẽ bảo đảm tiền mướn. Căn nhà có vườn đẹp và nhà kính, và bởi chúng tôi sẽ có cửa mở vào nhà, hay đúng hơn là vào khuôn viên, nó sẽ thành một trung tâm lớn hơn cho lực và sinh hoạt tại Avenue Road.
Vào thứ hai đầu của mỗi tháng, bà Cooper-Oakley và tôi có nhà để tiếp khách vào buổi tối. H.P.B. nói là tuyệt đối cần thiết phải làm việc với mọi tầng lớp trong xã hội, mà người sang trong xã hội hoàn toàn làm ngơ chúng tôi từ khi nhóm tới ngụ ở Avenue Road, nên chúng tôi sẽ nỗ lực hết mức để thu hút họ tới nhà. Bạn có thể tưởng tượng H.P.B. coi trọng việc ra sao khi bà đặt mua áo tiếp tân buổi tối.

6 tháng Ba 1891
‘Chuyện diễn ra tốt đẹp ở đây. Những buổi họp tối thứ năm vẫn tiếp tục, dù rằng hiếm khi có mặt H.P.B.; thực vậy lúc này chúng tôi ít khi thấy bà. Bà lánh mình nhiều ngày liên tiếp. Bà cho xây một phòng ngoài vườn dẫn vào phòng riêng của mình; và rồi tôi cho là bà sẽ ở riêng tách biệt hẳn. Bà ngày càng yếu nên thấy mệt mỏi khi có nhiều người xúm xít quanh mình.

19 tháng Tư 1891
H.P.B. rõ ràng ngày càng yếu thêm, và bà cảm thấy là nếu muốn có thể làm việc gì, bà phải ở chỉ có một mình để cho phép bà tập trung năng lực của mình. Phòng khách hiện thời của bà là hành lang dẫn tới trường Bí Giáo, và bà không thể có sự tĩnh lặng và vắng vẻ mà đó là điều bà cần; nên một phòng trong bây giờ đang xây, sẽ đóng cửa với hết mọi ai là người ngoài hay kể cả người quen.
(còn tiếp)